Vài Ý Nghĩa Lễ Vu Lan
Thiện Tâm
Ngày rằm tháng Bảy trong đạo Phật Việt Nam
Mỗi năm, đến rằm tháng bảy thì Phật tử và nhân dân ta lại cảm thấy một cảm xúc thiêng liêng của Ngày Báo hiếu Vu Lan Bồn. Báo hiếu là bổn phận với tâm tư tình cảm truyền thống văn hoá của Dân tộc Việt Nam, thể hiện sự “đền ơn, đáp nghĩa” trong giềng mối nhân duyên lưu chuyển từ qua khứ và những tương hệ trong hiện tại đối với con người.
Vấn đề thờ cúng không phải cứu cánh của người tu đạo Phật. Khi đạo Phật hoằng truyền, du hoá, với sự uyển chuyển có tính khế lý, khế cơ mà dung hoà với tín ngưỡng tập quán của nhân dân địa phương, nên đã hình thành những lễ nghi tín ngưỡng theo dân gian; Dù duy trì tập tục cũ, nhưng Đạo Phật cải thiện những tập quán ấy và khoác vào hình thức có ý nghĩa về mặt văn hoá và đạo đức xã hội. Phật giáo coi như là phương tiện giáo hoá quần chúng. Lễ Vu Lan Bồn cũng hoá hợp như vậy, từ truyền thống lễ Bon tại Ấn Độ, đến Lễ Trung Nguyên của người Trung Hoa và các nước có ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...
Theo lịch sử, Đạo Phật đã có ảnh hưởng thâm trầm với dân tộc ta, từ tương quan sinh tồn trên đất nước Việt Nam bị ngoại bang xâm chiếm, sự hội ngộ ý chí của Tiền nhân trong đạo ngoài đời, để tạo dựng tự chủ về văn hiến và kiến quốc cho đất nước thân yêu; Giáo lý đạo Phật đã đóng góp vào văn hoá dân tộc để lập nên những truyền thống, nề nếp tạo dựng kỷ cương xã hội, hình thành những nguyên lý an bang, lấy đạo lý nhân bản để hướng dẫn mọi người có tư tưởng, hành động trong nếp sống trật tự và đạo đức xã hội tốt đẹp; nên từ tập quán Tết Trung Nguyên trở thành lễ Vu Lan báo hiếu và được biểu dương Bốn ân đức lớn trong đời sống đối với con người:
Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ
Công ơn tương hệ tình thầy, nghĩa bạn và cộng đồng xã hội.
Công ơn sự bao bọc, che chở của tổ quốc và sự cống hiến của Tiền nhân anh hùng liệt sĩ.
Công ơn Tam Bảo đã khai sáng chân lý cho con người để cuộc sống có giá trị thiện mỹ hơn.
Ngày rằm tháng Bảy, ngoài những ý nghĩa tôn vinh trên, hoạt động tại các Chùa cũng tổ chức lễ nghi và sinh hoạt văn hoá văn nghệ thể hiện cảm quan đạo lý Phật Đà, chẳng những nhắc nhở đến bổn phận hiếu đễ đối với cha mẹ hiện tiền và còn mở rộng liên tưởng về cõi sống của muôn loại chúng sinh, trong đó có cõi u đồ; sự tượng hình về báo ứng nhân quả do tự thân gây khổ đau hay hạnh phúc... Với Lễ Vu Lan Bồn được dựa theo điển tích gương hiếu hạnh của Ngài Tôn giả Mục Kiền Liên (một trong 10 đệ tử lớn của Phật Thích Ca Mâu Ni). Ngài theo lời dạy lập Đạo tràng thỉnh chư Tăng thanh tịnh sau mùa An cư Kiết hạ, tập trung chú nguyện tạo thành nguồn diệu lực soi sáng thức linh cho bà Thanh Đề (tức mẹ Ngài Mục Kiền Liên) mới được tỉnh ngộ, để phá tan tư tưởng mê mờ, giải kiến tính xan tham mà giải thoát khỏi cõi u đồ, Ngạ quỷ khổ đau để thanh thoát lên cõi thiện lành; từ đó điển tích này lan truyền ra, không những đối với Phật tử mà còn được đa số nhân dân ta lấy ngày rằm tháng Bảy hằng năm là “Ngày báo hiếu” với việc thăm nom chúc mừng cha mẹ hiện tiền, mà còn tri ân Cửu Huyền Thất Tổ... để cầu nguyện cho thân nhân quá vãng được siêu sanh Lạc quốc; có nơi còn lập Đàn tràng cầu siêu cho những vong hồn u mê lỡ bước, do đó mà còn mang thêm ý nghĩa là “Ngày xá tội vong nhân” và đã đi vào văn chương Việt Nam, nên ở Chùa cũng có thời khoa nghi để Phật tử và nhân dân đến tụng kinh, nguyện cầu cho vong linh được siêu sanh Tịnh độ.
Ngoài lễ nghi tín ngưỡng tâm linh, Phật giáo Việt Nam (nhất là miền Nam) còn cụ thể hoá thêm phần sinh hoạt như lễ Tri Ân Phụ Mẫu bằng biểu trưng gắn “Bông hồng” để chia vui với những ai bông hồng còn thắm và bùi ngùi chia sẻ cảm thương với người có bông hồng bạc màu (khi người con trong tuổi còn nhỏ), vì cha mẹ là suối nguồn tình cảm dạt dào và thiêng liêng nhất. Đồng thời các Chùa lớn, nơi đô thị có điều kiện còn tổ chức các chương trình thơ nhạc, đêm văn nghệ do Đoàn thanh niên Phật tử (tức gia đình Phật tử) thực hiện, còn có cả văn nghệ sĩ Phật tử. Từ những lời cảm tưởng điệu thơ ca, phím nhạc cùng với cảnh diễn xuất thể hiện sự “Nhớ ơn chín chữ Cù lao...”, những đề tài ấn tượng đi vào lòng người để điều hạnh phúc hay khổ đau do hành vi của con người tự gây ra và chuốc lấy để hướng mọi người trong cuộc sống có lòng nhân ái, vị tha, tương thân giúp đỡ để xã hội con người sống thăng tiến, có đạo đức tốt đẹp hơn.
Như trên đã trình bày, lễ hội rằm tháng Bảy do Phật giáo Việt Nam tổ chức, đó là đạo Phật đã hợp hoá các sinh hoạt thế gian trên nền tảng tín ngưỡng, tâm tư tình cảm và văn hoá của Dân tộc ta. Từ đó khai triển khoác lên hình thái phong phú đậm nét nhân văn, thành học lý triết thuyết cao siêu hơn; vừa đáp ứng phần siêu thực tâm linh nơi con người, còn thực tiễn với đời sống xã hội. Vì đạo Phật lấy thế gian pháp là Phật pháp, chiêm nghiệm những hiện tượng, sự kiện thực tế của Vũ trụ Nhân sinh lập nên học thuyết chân lý, đó là tính khoa học của nền giáo lý Phật học.
Ngày Rằm tháng Bảy thời nay có thể gọi là ngày lễ hội truyền thống “ân tình, nghĩa cảm” của nhân dân ta, một nén hương lòng trở thành nếp sống thiêng liêng; những lễ nghi sinh hoạt trong ngày này được lưu truyền nguồn tư tưởng, văn học từ xưa đến nay của người Việt Nam, vì đạo lý này chắt lọc mối quan hệ tình cảm hữu cơ khắng khít trong tâm hồn dân tộc ta.
Hôm nay, ngày Vu Lan báo hiếu PL. 2546 của người con Phật, hân hoan vui mừng ngày Phật hoan hỷ sau mùa An cư kiết hạ của Chư Tăng Ni thúc liễm thân tâm và tự tứ được thanh tịnh, phước trí trang nghiêm. Ngày Phật tử chúng con tri ân “nhớ ơn, đáp nghĩa” thành tâm dâng lên Tam Bảo lòng thành kính và nguyện cầu Cửu huyền Thất tổ, đa sanh phụ mẫu quá vãng được siêu sanh Tịnh độ, cha mẹ hiện tiền khương an phước thọ. Cầu nguyện quốc gia thịnh trị, hoà bình vĩnh cửu, nhân dân ấm lo hạnh phúc. Mong rằng Phật tử không đem các hình thức mê tín như đốt vàng mã cho người quá vãng... mà làm giảm ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu của đạo Phật trong thời đại khoa học.
(Trích tập văn Vô Ưu, Vu Lan thắng hội, PL. 2546 - 2002)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét