Pages

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

NGỤ NGÔN GIỮA ĐỜI THƯỜNG

1. Phật tại gia


Yangpu về tỉnh Sichuan định tâm tìm kiếm Bồ Tát. Trên đường đi, Yangpu gặp một nhà sư. Nhà sư hỏi:
- Cậu đi đâu đấy?
- Tôi đi cầu Bồ Tát.
- Bồ Tát ở xa, chi bằng đi tìm Phật có hơn không?
- Tìm Phật ở đâu bây giờ?
- Khi cậu về nhà, thấy người đón cậu trên mình khoác cái mền, chân xỏ dép trái, đó chính là Phật.
Theo lời, cậu về nhà thì trời đã khuya. Mẹ cậu nghe con gọi cửa mừng quá vội khoác mền lên người, xỏ dép trái. Bà chạy ào ra mở cửa và khi Yangpu thấy mẹ mình như vậy thì đứng chết lặng.

Lời bình
Người ta tìm chân lý nhưng điều cần là thực thi ngay trong lòng, không thì khó mà gặp được.


2. Ngón tay chỉ mặt trăng

Sư Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng:
- Con đọc kinh Đại Bát Niết Bàn bao năm rồi mà vẫn chưa hiểu. Xin tổ sư soi sáng cho.
Lục Tổ Huệ Năng cầm quyển kinh đưa cho ni sư, nói:
- Ta không đọc được chữ, con hãy đọc, ta sẽ giúp con hiểu.
- Tổ không đọc chữ sao ngài hiểu thông nghĩa được? - Jincang rất ngạc nhiên.
Lục Tổ Huệ Năng thủng thỉnh đáp:
- Chân lý không dựa vào chữ nghĩa. Nó giống như trăng soi trên trời. Trong trường hợp này, chữ nghĩa giống như ngón tay trỏ vậy. Ngón tay chỉ trăng mà nó không phải là trăng. Xem trăng có cần ngón chỉ không?

Lời bình
Ngôn ngữ văn tự đều là biểu tượng diễn chân lý. Đừng lầm chữ nghĩa với chân lý như đã lầm ngón tay với mặt trăng.


3. Càng vội càng chậm

Một thanh niên nọ lên núi tìm kiếm sĩ lừng danh để học kiếm thuật. Anh ta hỏi vị sư phụ:
- Thưa thầy, nếu con luyện tập chuyên cần thì phải bao lâu mới thành kiếm sư?
- Có lẽ 10 năm.
- Cha con đã già rồi và con phải chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì mất bao lâu?
Lặng yên suy tư một lúc, vị sư phụ đáp:
- Trường hợp này có lẽ phải 30 năm.
Anh thanh niên không giấu được vẻ nôn nóng:
- Trước thầy bảo 10 năm, bây giờ 30 năm. Con sẽ vượt qua mọi trở lực để nắm vững kiếm thuật với thời gian ngắn nhất.
- Thế thì anh cần phải ở lại đây 70 năm - Vị sư phụ mỉm cười.
Lời bình
Những người quá nóng nảy muốn đạt đến kết quả thì hiếm khi thành công.


4. Bình thường tâm


- Bạch thầy, sống theo Đạo một cách siêng năng là thế nào?
- Khi đói hãy ăn, khi mệt hãy ngủ.
- Đó là những điều mà mọi người thường làm mà?
-Không, không ! Hầu hết mọi người đều không làm như vậy. Khi ăn, mọi người đầy những suy tư, ao ước và khi ngủ lại đầy những lo toan.

Lời bình
Có bao nhiêu người mà mỗi sáng thức dậy mà đầu óc không bận bịu những chuyện quá khứ?
Con người phải vứt bỏ những điều nguy đã gây ra bão tố nội tâm và sống theo bản chất nguyên thuỷ của họ vì Đạo nằm ngay trong đời sống hằng ngày.


5. Thiền trong chén trà

Vị giáo sư đại học đến gặp thiền sư Nan In để tìm hiểu Thiền. Nan In mời ông uống trà. Nan In rót đầy chén trà rồi mà cứ thế rót thêm. Giáo sư nhắc:
- Kìa thầy, chung trà đầy tràn rồi, xin đừng rót nữa.
Nan In cười đáp:
- Như chung trà này, ông cũng đầy ắp những quan niệm của ông. Nếu trước tiên, ông không cạn chén thì sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được.

Lời bình
Ai chứa đầy kiến thức thì điếc trước lời phải trái. Khi hai người tranh luận, mỗi người thường đưa cái biết của mình vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được gì cả.

6. Con quỷ bên trong

Nhà sư nọ mỗi khi bắt đầu nhập định đều thấy một con nhện khổng lồ làm ông bối rối. Nhà sư liền vấn ý sư Tổ:
- Mỗi khi con bắt đầu nhập định thì luôn có một con nhện khổng lồ xuất hiện, dẫu có đuổi thế nào nó cũng không đi.
-Lần tới, nếu thấy con nhện xuất hiện, con hãy vẽ một vòng tròn to làm dấu xem nó từ đâu đến.
Nhà sư làm đúng như vậy. Khi ông vẽ vòng tròn to vào bụng con nhện, con nhện chạy đi, ông lại có thể tiếp tục thiền định. Sau buổi thiền định, nhà sư rất bối rối khi thấy vòng tròn nằm ngay trên bụng mình.
Lời bình
Trong cuộc sống, con người gặp phải nhiều xáo trộn và âu lo, phiền nhiễu. Nhưng âu lo tệ nhất thường là từ chính bản thân mình mà ra.



7. Đích tới có một đường đi không cùng


Một tăng đồ hỏi Thiền sư Baling Haojian:
- Nghĩa lý của sư tổ và ý nghĩa của giáo lý có gì giống và có gì khác nhau?
- Khi vịt lạnh, chúng lội xuống nước. Khi gà lạnh chúng đậu trên cây.

Lời bình
Lạnh vẫn lạnh nhưng phương thức tránh lạnh lại khác nhau. Cùng một mục tiêu nhưng mỗi loài lại có cách riêng của chúng. Để đạt mục tiêu không chỉ có một con đường, không phải ai cũng đi theo một con đường. Hãy khéo chọn...

(St)

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Câu chuyện con nhện


Cái chữ duyên trên đời, thật khó.
Lòng chợt buồn khi nhớ lại chuyện xưa. Thế gian này, những người chân tình với mình ít biết bao nhiêu?
Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.

Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.
Phật dừng lại, hỏi nhện: “Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?”
Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: “Thế gian cái gì quý giá nhất?”
Nhện suy ngẫm, rồi đáp: “Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!”. Phật gật đầu, đi khỏi.
Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.

 Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: “Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?”
Nhện nói: “Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là “không có được” và “đã mất đi” ạ!”
Phật bảo: “Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi.”
Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.

 Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: “Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?”
Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: “Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi.”
Phật nói: “Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!”
Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.

 Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.
Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.

 Châu Nhi nói với Cam Lộc: “Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?”
Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: “Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?”. Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.
Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên
Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
 Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.
Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: “Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi.” Nói đoạn rút gươm tự sát.

 Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.
Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?”

 Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”
Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…
Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?
“Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”
Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.

 Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ.
Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.
Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.
Vậy khi bạn đi kiếm người ở đầu kia dây, hãy cân nhắc. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu để đi tìm một tình yêu mới nữa.
(Sưu tầm)

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Hành Trình Về Phương Đông

Tác phẩm “ Life and Teaching of the Masters of the Far East » (1935) ”, hồi ký của Dr. Blair T. Spalding (1857 – 1953) Một phần của hồi ký đã được Nguyên Phong chuyển ngữ với tựa đề  “Hành Trình Về Phương Đông”
Nguyên tác có tất cả sáu quyển ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng lý thú và tràn đầy sự huyền bí ở Ấn độ, Tây Tạng, Trung hoa và Ba tự Ba quyển đầu ghi lại những cuộc thám hiểm của phái đoàn từ Anh sang Ấn, sự gặp gỡ giữa phái đoàn và những vị thầy tâm linh sống ở Á châu, và ở dãy Hy Mã Lạp Sơn . Ba quyển sau là những ghi nhận riêng của giáo sư Spalding về các cuộc hành trình. Sự trao đổi kiến thức giữa phái đoàn và các vị thầy tâm linh, với bản tường trình của phái đoàn đã đưa đến những cuộc tranh luận sôi nổi. Cuối cùng thì ba người trong phái đoàn đã trở lại Ấn độ sống đời ẩn sĩ . Hồi ký của giáo sư Spalding là một công trình nghiên cứu nghiêm túc với nhiều dự kiện được phái đoàn ghi nhận đầy đủ một cách khoa học, và cho đến nay vẫn còn nhiều đọc giả hâm mộ, nhiệt liệt tán thưởng các quyển hồi ký này.
Mời các bạn đọc những chương đầu của tác phẩm “Hành Trình Về Phương Đông”.

Tâm Nhìn



Xưa có một vị Tỳ kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một con đò qua lại. Vị Tỳ kheo muốn hạ sơn hóa đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một bà lão trên 50 tuổi, còn khỏe mạnh.

Một hôm, khách qua sông ngạc nhiên thấy kẻ đưa đò không phải là bà lão nữa, mà là một thiếu nữ rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao. Hỏi ra mới hay rằng, người con gái ấy không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin bà lão ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông. Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, lão bà vô cùng thương mến.

Từ đó, khách sang sông thăm thầy Tỳ kheo ngoạn cảnh mỗi ngày một đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước. Thầy Tỳ kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi thầy phải trả hai tiền. Vị Tỳ kheo ngạc nhiên hỏi tại sao lấy tiền đắt hơn. Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi. Không lý cãi cọ lôi thôi với cô gái, vị Tỳ kheo đành phải chịu trả cho cô hai tiền.

Lần sau, có việc phải xuống núi. Vị Tỳ kheo bước xuống đò không dám nhìn cô gái mà úp mặt xuống lòng đò. Ðến bến, mọi người lên trả tiền đò, đến lượt thầy, cô gái bắt trả gấp bốn lần. Thầy Tỳ kheo hỏi: Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô nên phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp bốn lần? Cô gái nói rất trang nghiêm: "Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt nhìn nơi mặt và bên ngoài của tôi. Hôm nay thầy dùng tâm và nhìn hết toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp bốn lần. Nghe xong, thầy Tỳ kheo phát lên cười và hình như có sở ngộ. Ngoảnh lại cô gái đò đã biến đi đâu mất. Từ đó, chỉ còn bà lão đưa khách sang sông.

Trích trong "Truyện Cổ Phật Giáo", Minh Chiếu Sưu tập, Tập 3, Thành Hội Phật Giáo TP. HCM ấn hành 1994, trang 87-88

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Lời Phật dạy đệ tử


 

Có lần Phật đi khất thực vào xóm của Bà-la-môn. Các đệ tử Bà-la-môn thấy Phật khất thực, họ đem cơm cúng dường. Ngài đến dưới cội cây ngồi ăn, sau đó thuyết pháp cho họ nghe. Kết quả họ xin quy y theo Phật hết. Qua đôi ba lần, xóm đó từ từ chuyển thành Phật tử hết. Các thầy Bà-la-môn tức quá, chờ đức Phật vào làng khất thực, họ theo sau kêu tên Phật chửi rất thậm tệ. Chửi thì chửi Phật cũng cứ đi từ từ, không trả lời chi hết. Chịu hết nổi, vị thầy Bà-la-môn kia chặn đầu Ngài hỏi:

- Cồ-đàm, có nghe tôi chửi không?

Phật nói:

- Nghe.

- Nghe sao không trả lời?

Phật đáp:

- Như nhà ông có đám giỗ mời thân quyến tới dự. Khi cúng kính xong, quà còn nhiều nên ông phân chia để tặng họ. Những thân quyến không nhận, vậy những món quà đó thuộc về ai?

- Tôi tặng mà người ta không nhận thì nó thuộc về tôi, chớ về ai?

Phật nói:

- Cũng vậy, ông chửi mà ta không nhận thì những lời ấy thuộc về ai?

Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người, đừng quan tâm, như thế mới được an vui.
Trong kinh Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rời xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau quí vị có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.
Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết hóa giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà fải có người thử thách để có dịp coi lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lí do bất như ý bên ngoài. Đó là tu chưa tiến.
Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là kẻ khờ, không phải người trí.

Bây giờ quý Phật tử nghe người ta chửi có nhận không? Nhận, nên tức tối phiền não hoài. Còn Phật không nhận nên Ngài chẳng dính dáng gì. Người chửi tự nhớ, tự chịu, tự khổ. Ngày nay chúng ta quý trọng đức Phật ở chỗ Ngài cũng bị người ta chửi, nhưng bình thản không dao động, chớ đâu phải Ngài không bị chửi. Chẳng những đức Thế Tôn không giận, không buồn mà còn thương người chửi nữa, vì biết họ nói bậy.

Phật tử đừng nói chửi, vừa thấy ai nói lén nhỏ nhỏ sau lưng đã lắng nghe rồi. Lắng nghe để nhận. Đức Phật bị kêu tên chửi còn không màng, nên bây giờ chúng ta mới lạy Ngài. Nếu Thế Tôn cũng như mình thì ngày nay làm gì có đạo Phật. Chính vì Phật không nhận nên Ngài không buồn không giận. Vì vậy Ngài trả lời một cách tự nhiên “Ông chửi ta không nhận thì lời đó thuộc về ông.” Ngoại đạo nghe thế tự xấu hổ bỏ đi. Chính nhờ tâm sáng suốt, từ bi ấy mà bây giờ chúng ta mới lạy Ngài.

Phật tử đừng nói chửi, vừa thấy ai nói lén nhỏ nhỏ sau lưng đã lắng nghe rồi. Lắng nghe để nhận. Đức Phật bị kêu tên chửi còn không màng, nên bây giờ chúng ta mới lạy Ngài. Nếu Thế Tôn cũng như mình thì ngày nay làm gì có đạo Phật. Chính vì Phật không nhận nên Ngài không buồn không giận. Vì vậy Ngài trả lời một cách tự nhiên “Ông chửi ta không nhận thì lời đó thuộc về ông.” Ngoại đạo nghe thế tự xấu hổ bỏ đi. Chính nhờ tâm sáng suốt, từ bi ấy mà bây giờ chúng ta mới lạy Ngài.

Rồi một lần nữa, Phật đi khất thực cũng một thầy Bà-la-môn kêu tên Ngài chửi, Phật vẫn ung dung đi. Cuối cùng Bà-la-môn kia chạy lên chặn đường Phật:

- Cồ-đàm, ông thua tôi chưa?

Phật liền nói bài kệ:

Người hơn thì thêm oán,

Kẻ thua ngủ không yên.

Hơn, thua hai đều xả,

Ấy được yên ổn ngủ
 
Người nào không nghĩ hơn thua mới ngủ yên. Nếu thấy mình thua thì oán hờn người hơn, tức quá ngủ không yên. Còn hơn người thì bị người oán. Vì vậy đức Phật dạy: “Hơn thua hai đều xả, Ấy được yên ổn ngủ”. Sở dĩ chúng ta cung kính quý trọng đức Phật, vì đứng trước ngang trái Ngài luôn nhẫn nhịn được.

Ngày nay chúng ta tu muốn người quý trọng mình, mà động tới sân si đủ thứ thì ai kính phục được? Nên người thật tu không giành hơn, không cho thắng người là thành công. Hơn thắng như thế là mê. Chúng ta tỉnh sáng phải giữ thái độ an bình, hòa nhã, không giận hờn.
Người biết tu, gặp kẻ mê ta phải tỉnh, người kia điên chúng ta phải sáng suốt, chớ không ai ăn thua với người điên. Đó là điều quan trọng mà thế gian không biết. Nhiều khi nghe một lời nói hết sức vô nghĩa mà ta lại nổi nóng, cãi nhau thành việc lớn. Từ đó làm khổ nhau, từ cái khổ này kéo đến cái khổ nọ. Trong đạo cũng vậy, nhiều chuyện rất nhỏ mà do không khéo hòa với nhau nên thành lớn. Nhiều người vì cãi thua, tức quá muốn tự tử, thật hết sức dại khờ.
(Sưu tầm)

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Gần Phật và xa Phật


 
Một thời Ðức Phật ở nước Xá Vệ, tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn thuyết pháp cho Chư Thiên nghe. Lúc bấy giờ ở nước La Duyệt Kỳ có hai vị tân học Tỳ kheo muốn yết kiến Ðức Phật. Giữa hai nước ấy có một khoảng đồng rộng, không có người ở, lại gặp thời tiết hạn hán, nên suối hồ đều cạn. Hai người đi ngang qua, bị khát nước, chỉ gặp được vũng nước nhỏ thì bị đầy những trùng, không thể uống được.
Hai người mới bàn với nhau rằng:
“Chúng ta từ xa lại, cốt trông mong chiêm ngưỡng Ðức Phật, không ngờ ngày nay bị chết khát giữa đường”.
Mội người nói rằng:
- Thôi ta hãy tạm uống để khỏi chết có vậy mới gặp được Phật và lại ta uống cũng không ai biết cả.
Người kia đáp rằng:
- Giới luật Ðức Phật chế ra, lấy nhân từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sanh để tự sống thì dù thấy Ðức Phật cũng không ích gì. Thà rằng giữ giới chịu chết, chớ không phạm giới mà được sống.
Người đầu theo ý riêng của mình uống nước đỡ khát và đi đến chỗ Phật ở. Người thứ hai không chịu uống nên phải chết vì khát nhưng được sanh lên cõi trời Ðao Lợi. Nhờ suy nghĩ nên tự biết mình ở kiếp trước nhờ giữ giới nên được sanh thiên, thật là do lòng tin mạnh nên phước báu chẳng xa vậy. Nghĩ như thế, bèn đem hương hoa đến lễ Phật rồi đứng hầu một bên.
Còn người uống nước, phải cực khổ trải qua nhiều ngày mới đến chỗ Phật ở. Thấy đầng Chí Tôn oai nghiêm, người liền cúi đầu đảnh lễ khóc lóc bạch Phật rằng:
- Con còn một người bạn muốn đến yết kiến Phật, chẳng may giữa đường bị mệnh chung, dám mong Ðức Thế Tôn biết cho.
Ðức Phật trả lời:
- Ta đã rõ rồi.
Liền lấy tay chỉ Tiên nhân đứng hầu một bên mà nói rằng:
- Người Tiên nhân này chính là người bạn của ngươi đó. Người này nhờ giữ trọn giới luật nên được sanh lên cõi Trời và được gặp ta trước ngươi.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn chỉ tay vào ngực người kia và bảo rằng:
- Ngươi tuy thấy hình ta mà không giữ giới luật của ta, thì tuy ngươi thấy ta mà ta không thấy ngươi. Người kia tuy cách xa ta ngàn vạn dặm, nhưng giữ giới luật thì người ấy tất đứng trước mặt ta.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn bèn nói bài kệ rằng:
Học nhiều lại nghe nhiều,
Hai đời được ngợi khen.
Học ít lại nghe ít,
Hai đời bị đau khổ.
Phàm học nên nghe nhiều,
Dầu gặp nhiều tai nan.
Trì giới chẳng tái phạm,
Sở nguyện được thành tựu.
Giữ giới không chu toàn,
Sở nguyện bị tán mất.
Xét lý nhận yếu nghĩa,
Không gì đáng can ngại.
Lúc bấy giờ vị Tỳ kheo nghe bài kệ xong bèn tự xấu hổ, cúi đầu xin sám hối, yên lặng suy nghĩ lời Phật dạy. Còn vị Tiên nhân sanh tâm hoan hỷ, chứng được Pháp nhãn, trong chúng hội hoan hỷ phụng hành.
Minh Châu
Giới luật là thầy của các ngươi.
Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp.
Giới luật còn Phật Pháp còn.

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Gái điếm và thầy tu



Một tu sĩ Bà la môn sống bên kia đường đối diện nhà của một gái điếm. Mỗi ngày, khi ông ta chuẩn bị tiến hành việc cầu nguyện và thiền định, ông ta nhìn thấy những người đàn ông ra vào phòng cô gái điếm. Ông ta nhìn thấy chính người đàn bà chào đón hoặc tạm biệt họ. Mỗi ngày, vị tu sĩ tưởng tượng và suy nghĩ về những hành động đáng hổ thẹn diễn ra trong phòng cô gái điếm, và trái tim của ông ta tràn đầy sự phỉ báng mạn mẽ đối với hành vi phóng đãng của người đàn bà

Mỗi ngày, cô gái điếm nhìn thấy tu sĩ thực hành những nghi lễ tôn giáo. Cô ta nghĩ nó thánh thiện biết bao khi dành thời gian để cầu nguyện và thiền định. “Nhưng”, cô ta thở dài, “Số phận của ta là một gái điếm. Mẹ ta là một gái điếm, và con gái ta cũng sẽ như vậy. Đó là quy luật trên mảnh đất này”

Vị tu sĩ và cô gái điếm chết cùng một ngày và cùng nhau đứng trước sự phán xét. Vô cùng kinh ngạc, vị tu sĩ bị kết tội về sự đồi bại của ông ta

“Nhưng” thầy tu phản kháng, “tôi đã sống một cuộc đời thanh khiết. Tôi đã dành những ngày tháng của mình vào việc cầu nguyện và thiền định”

“Phải”, lời phán xét nói, “Nhưng trong khi thân xác ngươi đang thực hiện những hành động sùng đạo đó, thì trái tim ngươi khô héo bởi những phán xét nghiệt ngã và tâm hồn ngươi bị tàn phá bởi những tưởng tượng đầy dục vọng của mình”

Người gái điếm được khen ngợi và sự trong sáng của bà ta

“Tôi không hiểu”, bà ta nói, “Cả cuộc đời, tôi đã bán thân xác mình cho bất cứ người đàn ông nào trả tiền”

“Hoàn cảnh của cuộc đời ngươi đã đặt ngươi vào một nhà thổ. Ngươi được sinh ra ở đấy, và việc sống khác đi vượt quá sức ngươi. Nhưng trong lúc thân xác ngươi đang làm những hành động không xứng đáng, thì trái tim ngươi luôn trong sạch và mãi mãi hướng vào những suy ngẫm về sự thanh khiết của những buổi cầu nguyện và thiền định của vị tu sĩ”
(sưu tầm)

Budahist Wallpaper


Những hình nền phật giáo đẹp